Sunday, March 23, 2008

Tại sao nhiều nhà đầu tư nhỏ thua lỗ

Đoạn sau đây trích từ báo cáo: "Lựa chọn Thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam", do nhóm giáo sư trường Đại học Harvard viết gửi Thủ tướng NTD vào tháng giêng 2008. Vào những ngày này, khi giá CP rớt thê thảm thì mới thấy giá trị của những cảnh báo do báo cáo này đưa ra. Tại sao giá của những công ty niêm yết quá cao như vậy, đặc biệt là CP của các Cty Blue-Chip. Có nhiều CP giá cao gấp vài chục lần so với mệnh giá, cá biệt như FPT ở thời điểm cao nhất lên tới hơn 60 lần so với mệnh giá. Các công ty lớn không chỉ bòn rút tiền đầu tư của các nhà đầu tư từ công ty mẹ mà còn thực hiện điều đó qua việc thành lập hàng loạt các công ty con. Điển hình lại vẫn là FPT, với hàng loạt FPT Finance, FPT Land, FPT Bank...; hay như Tổng CTy Sông Đà với hàng loạt SDx. Ngay cả Chính phủ cũng dựa vào tình trạng quá nóng thị trường để định giá quá cao trong các đợt IPO của các ông lớn. Điển hình là VCB và SABECO. Đã xác định giá trị của VCB là 15 nghìn tỷ, tính tất cả các yếu tố, kể cả giá trị thương hiệu rồi, vậy mà còn đặt giá lên gấp 10 lần so với mệnh giá!? Đến thời điểm này giá VCB rớt xuống chỉ còn khoảng 6 chấm trên sàn OTC. Vậy là không chỉ các công ty mà ngay cả Chính phủ make benefit từ lòng tin của các nhà đầu tư. Bây giờ là lúc thị trường điều chỉnh và giá của CP phải trở về đúng giá trị của nó. Nhưng nhiều nhà đầu tư đã mất tiền và mất cả niềm tin. Làm sao khôi phục lại thị trường đây? Mời bà con đọc cả báo cáo để có cái nhìn dài hạn về triển vọng của KTVN và sự phát triển của TTCK nhé.


Trong quá trình mở rộng phát triển của nhiều tập đoàn hiện nay cũng đã xuất hiện một số biểu hiện đáng báo động. Một “kịch bản” phổ biến khi mở rộng như vậy được miêu tả như sau. Tập đoàn nhà nước thành lập một công ty con, trong đó ban giám đốc của tập đoàn (còn gọi là công ty mẹ) và của công ty con nắm giữ một lượng cổ phiếu đáng kể của công ty con mới này. Một phần tài sản của tập đoàn (đất đai chẳng hạn) được chuyển cho công ty con dưới hình thức đầu tư hay góp vốn ban đầu. Khi cổ phiếu của công ty mới này được bán trên thị trường OTC hay trên thị trường chứng khoán thì những người chủ sở hữu của chúng sẽ hưởng lợi nhuận siêu ngạch từ việc ăn chênh lệch giá cổ phiếu (do khi cổ phần hóa doanh nghiệp bị định giá thấp hơn giá trị thị trường như trong trường hợp khách sạn Phú Gia Intimex). Trong thế giới mờ ám của những giao dịch nội gián như thế này, việc phân loại các nhóm sở hữu trở nên khó khăn. Những doanh nghiệp tư nhân giành được những “lô đất vàng” ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh chắc chắn phải có mối quan hệ mật thiết với một số quan chức nhà nước. Về bản chất, quá trình này không khác nhiều lắm so với quá trình bòn rút tài sản công thông qua tư nhân hóa đại trà ở Nga vào đầu những năm 1990, mặc dù ở Việt Nam, quá trình này xảy ra với tốc độ chậm hơn và mức tập trung của cải vào trong tay một thiểu số thấp hơn.

Một kịch bản thứ hai nhưng không kém phần đáng lo ngại là một số công ty con (đặc biệt là những công ty tài chính) mặc dù không thực sự có tài sản gì ngoài nhãn hiệu được thừa kế từ tập đoàn mẹ nhưng vẫn được IPO với những mức giá khổng lồ. Khi ấy, những nhà đầu tư nhỏ lẻ (nhiều người trong số họ đầu tư bằng những khoản tiết kiệm dành dụm cả đời) do thiếu thông tin vẫn cứ lao vào để cố mua bằng được chút ít cổ phiếu với giá thị trường giờ đã trở nên cao ngất, cao hơn nhiều lần so với giá trị danh nghĩa ban đầu. Kết quả là tiền của những nhà đầu tư nhỏ, thiếu thông tin và hiểu biết đã bị chuyển sang túi của những “đại gia”, đầy đủ thông tin nội bộ và mua được cổ phiếu ngay từ lần phát hành đầu tiên.(*) Những hoạt động như thế này không thể bền vững, và sớm hay muộn thị trường cũng sẽ điều chỉnh. Hậu quả khi ấy không chỉ là nhiều nhà đầu tư nhỏ, thiếu thông tin mất tiền, mà họ còn mất luôn cả niềm tin vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp và chính sách của nhà nước.

(*) Có vẻ như sự niêm yết gần đây của Công ty Tài chính Dầu Khí (PVFC) thuộc loại giao dịch này.



0 Comments: