Sunday, April 13, 2008

Chứng khoán Việt Nam - Bong bóng chứng khoán lần đầu tiên bị vỡ

Gọi cho đúng tên nhé: Thị trường sụp đổ (giảm tới 44% thì không gọi là sụp đổ thì gọi là gì); Các nhà đầu tư trong nước = Các "con bạc". Xin mời đọc toàn văn bài viết trên "The Economist", tạp chí kinh tế hàng đầu trên thế giới nhé.

Chứng khoán Việt Nam - Bong bóng chứng khoán lần đầu tiên bị vỡ

The Economist, 03/04/08

Ở Việt Nam, cũng như ở các nước Đông Nam Á khác, hầu hết mọi thứ đều tăng giá – thực phẩm, nhiên liệu, nhà cửa. Nhưng cổ phiếu lại đi theo hướng ngược lại. Các thị trường chứng khoán trong khu vực bị suy giảm trong Quý I, sự suy giảm tồi tệ nhất trong vòng vòng sáu năm trở lại đây. Không có nơi nào bị thiệt hại nặng nề như thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, một thị trường chứng khoán non trẻ nhất trong khu vực: chỉ số thị trường giảm tới 44% trong Quý I (xem đồ thị). Các nhà đầu tư nhỏ của nước Việt Nam XHCN nồng nhiệt chào đón CNTB ngay sau khi thị trường chứng khoán được thành lập vào năm 2000. Nhưng trong những tháng vừa qua, họ đã thấy được mặt trái của thị trường khi lần đầu tiên bong bóng thị trường nổ tung.





Tâm trạng u buồn tràn ngập các công ty chứng khoán trái ngược hẳn với hình ảnh đầu năm ngoái (2007), khi các “sàn giao dịch” chật ních các đầu tư nhỏ náo nhiệt, mắt dán chặt vào các màn hình lớn hiển thị giá khi giá cổ phiếu tăng lên các đỉnh cao một cách vô lý. Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đã cảnh báo các nhà quản lý nhằm hạ nhiệt thị trường. Cơ quan quản lý đã làm theo cảnh báo, chỉ thị cho các ngân hàng dừng cho các cá nhân và các công ty vay để đầu cơ vào cổ phiếu. Việc này đã làm cho bong bóng thị trường xì hơi đôi chút. Vào tháng Giêng năm nay, biện pháp này đã được gỡ bỏ một phần.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lúc này lại chịu sức ép của những lo ngại về tình trạng lạm phát trong nước và sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ, là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Để kiềm chế cơn bão lạm phát – gần 20% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái – Chính phủ đã áp dụng lại các biện pháp kiểm soát tín dụng, và các biện pháp lần này được áp dụng rộng rãi hơn lần trước, nhằm giảm thiểu các hoạt động đầu cơ chứng khoán. Điều này càng làm cho thị trường chứng khoán suy giảm hơn nữa.




Cơn lũ bán ra mang màu đỏ


Trong vài tuần gần đây, khi đà xuống dốc gia tăng, những ngân hàng trước đây đã cho những nhà đầu tư thất bại vay vốn nhận ra mình đang giữ những cổ phiếu như đồ thế chấp, bèn quăng chúng vào thị trường, làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Chính phủ bắt đầu lo sợ điều này có thể đặt chương trình cổ phần hoá của Chính phủ ở vào thế rủi ro. Chính phủ đã chỉ thị cho Tổng Công Ty Đầu Tư và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước (SCIC), một công ty nắm giữ phần vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hoá, mua vào lại các cổ phiếu để hỗ trợ cho thị trường. Mặc dù việc này không phải là chưa có tiền lệ (nước Anh cũng thực hiện việc mua lại tương tự như vậy khi việc tư nhân hoá BP, một công ty dầu mỏ, bị ảnh hưởng lớn do sự sụp đổ của thị tường chứng khoán năm 1987), ý tưởng đó vướng phải sự phản đổi của chính SCIC.


Do đó, ngày 27 tháng 3, một biện pháp quyết liệt hơn được thực hiện, xiết lại những biến động giá các cổ phiếu do các cá nhân nắm giữ theo biên độ 1% trong ngày giao dịch. Các ngân hàng cũng được yêu cầu ngưng không giải chấp các cổ phiếu mà họ đang nắm giữ. Các biên pháp này, dự kiến là thực hiện tạm thời, đã thành công trong việc ngăn chặn thị trường sụp đổ. Ngày 3 tháng 4, Chính phủ lại thông báo nới rộng biên độ giao dịch ra thành 2%.


Cho đến nay, dường như các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, từng trải nghiệm với những thăng trầm trong đầu tư trên thị trường chứng khoán, vẫn kiên định. Cơ quản quản lý thị trường, Uỷ Ban Chứng Khoán Nhà Nước, trong tuần này cho biết rằng các nhà đầu tư nước ngoài là những người mua nhiều hơn bán trong giai đoạn từ đầu năm đến nay. Chỉ có những “con bạc” trong nước là những kẻ sợ hãi và rút tiền ra khỏi thị trường. Mặc dù một số người sẽ mất một phần tiền tiết kiệm của cả đời, nhưng con số này này tương đối ít - có lẽ có nửa triệu người đầu tư vào thị trường chứng khoán trong một nước có 85 triệu dân - vì vậy ảnh hưởng về tài sản nói chung nên nền kinh tế có thể được hạn bớt.


Ông Dominic Scriven thuộc công ty Dragon Capital, một công ty đầu tư đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng trên thị trường chứng khoán trong cái rủi có cái may. Trước khi thị trường đổ vỡ, nhiều công ty thấy rằng quá dễ để phát hành cổ phiếu trên thị trường, do đó chúng không chịu áp lực phải cải thiện công việc quản lý công ty. Dòng cổ phiếu phát hành thêm liên tục đã pha loãng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu, góp phần vào sự đổ vỡ của thị trường. Có quá nhiều công ty chứng khoán mới được thành lập và các công ty không chuyên về tài chính đã sao lãng mảng kinh doanh cốt lõi của mình để chạy theo cám dỗ nhất thời trong đầu tư vào chứng khoán. Bây giờ, cú “chấn động” vừa rồi dường như lại là hữu ích. Ông Scriven nói: “Chúng tôi học được nhiều điều từ sự đổ vỡ vừa qua của thị trường”.


(Nguồn: The Economist, ngày 3 tháng 4 năm 2008)

Bạn có muốn nghe đọc không? (Audio)

0 Comments: