Friday, April 25, 2008

Thị trường trở về giá trị thực qua thời kỳ xuống dốc không phanh

Với nhà quản lý: Giá CP trước đây đã bị "thổi lên" quá cao. Thị trường bây giờ mới là phản ảnh giá trị thực của nó.

Với nhà đầu tư trong nước: Bao giờ mới lấy lại được vốn đây. Càng "quẫy" càng chết

Với nhà đầu tư nước ngoài: Giá bây giờ cực thấp, "quá ngon"

Xin mời đọc toàn văn bài viết trên "The Financial Times".


Thị trường trở về giá trị thực qua thời kỳ xuống dốc không phanh

By Amy Kazmin, 22/04/2008

Trong văn phòng nhỏ của Công ty Chứng khoán Mê Kông nằm trong con ngõ nhỏ giữa thủ đô Hà Nội, một nhóm các nhà đầu tư đang buồn rầu nhìn vào màn hình máy tính xách tay, theo dõi sự đi xuống chậm rãi của thị trường chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.

Mới chỉ một năm trước đây, Công ty Chứng khoán Mê Kông, giống như phần lớn các công ty chứng khoán của Việt Nam, cứ mỗi buổi sáng là chật cứng các nhà đầu tư, họ là những người đã đổ những tiền tiết kiệm của mình vào thị trường khiến cho nó tăng lên tới 144% trong năm 2006.

Những ngày này, văn phòng công ty hoàn toàn vắng vẻ, trừ một vài người đang cố rút khỏi thị trường đã tuột dốc tới 42,4% trong năm nay.

Trong số họ có nhà đầu tư Lê Thu Hà, 27 tuổi, vào tháng 10/2006 theo sự quyến rũ của những âm thanh êm ái tràn ngập thị trường khi đó đã bỏ việc ở một công ty xuất-nhập khẩu để dành toàn bộ thời gian cho việc quản lý danh mục đầu tư của mình trên thị trường. Khi đó chị đã đổ vào thị trường số tiền là 31.000 USD, nhưng số vốn này bây giờ đã tiêu tan gần hết.

Chị nói: “Tôi muốn rút khỏi thị trường, nhúng bây giờ lại không phải lúc. Đã quá muộn rồi”

Với nhiều nhà đầu tư Việt Nam, sự suy giảm gần đây của thị trường 8 năm tuổi là một cơn bão tài chính nặng nề, có thể có ảnh hưởng lâu dài tới những khát khao đầu tư cổ phiếu.

“Nhiều người mới ra nhập thị trường có cảm giác là họ mất rất nhiều tiền trong một thời gian rất ngắn”, theo lời ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), một công ty quản lý các lợi ích của một số Doanh nghiệp Nhà nước đã niêm yết trên thị trường.

“Họ đã cố bù đắp các khoản thua lỗ trên thị trường, nhưng càng cố thì lại càng lỗ”

Tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam lại bị tổn thương một cách vô tình do hoạt động gần đây của chính phủ trong việc chống lạm phát và hạ nhiệt thị trường bất động sản thông qua việc siết chặt tiền tệ.

“Tính thiếu thanh khoản đã làm đóng băng thị trường bất động sản, nhưng hệ quả không mong đợi là đã làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán”, theo lời ông Dickon Verey, trưởng phòng kinh doanh của Công ty Chứng khoán Mê Kông.

Thị trường – đã từng lên đến đỉnh điểm vào tháng 3/2007 – đã đánh mất sinh lực vào cuối năm ngoái, do bị kẹt bởi những hạn chế đối với việc ngân hàng cho vay mua chứng khoán, khối lượng khổng lồ của các đợt phát hành cổ phiếu mới và những lo ngại về ảnh hưởng của sự suy thoái nền kinh tế thế giới đến Việt Nam. Thị trường đến cuối năm 2007 tăng khoảng 25%.

Tuy nhiên, các công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư cho rằng quyết định của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 2 vừa qua về việc rút 1,26 tỷ USD ra khỏi hệ thống tài chính – thông qua việc phát hành tín phiếu bắt buộc cho các ngân hàng thương mại – đã đẩy thị trường vào tình trạng xuống dốc không phanh.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng bị chặn cửa mua chứng khoán do không có khả năng tiếp cận nguồn tiền đồng khi ngân hàng dừng mua USD.

Kể từ đó, các cơ quan quản lý cố gắng một cách thiếu bình tĩnh trong việc vực dậy niềm tin của các nhà đầu tư bằng nhiều biện trong trong đó có việc thu hẹp biên độ giao dịch trong ngày.

Vào đầu tháng 3/2008, SCIC cũng bắt đầu lựa chọn cổ phiếu để mua vào coi như là một “chức năng công” nhằm hỗ trợ thị trường, mặc dầu ông Lai nói rằng ông bị cấm tiết lộ các thông tin chi tiết về việc mua đó.

Các nhà đầu tư nước ngoài một lần nữa lại chọn mua các cổ phiếu blue-chip của Việt Nam. Các cổ phiếu này hiện đang có giá hấp dẫn với hệ số P/E trung bình là 13, so với lúc đỉnh điểm hệ số này ở mức 35.

“Trong một thời gian dài, giá của nhiều cổ phiếu đã bị thổi phồng – không phản ánh giá trị thực, nội tại của cổ phiếu”, ông Lai nói. “Bây giờ, thị trường đã trở về giá trị thực của nó. Chúng ta không nói rằng “thị trường suy thoái mà là sự trở lại giá trị thực của thị trường”

Hiện nay, các nhà đầu tư Việt Nam đặt lệnh với nhiều lo âu, việc đưa họ nhìn đúng giá trị thực của cổ phiếu sẽ không dễ dàng gì.

(Nguồn: The Financial Times, 22 April 2008)

0 Comments: