Sunday, March 23, 2008

Tại sao nhiều nhà đầu tư nhỏ thua lỗ

Đoạn sau đây trích từ báo cáo: "Lựa chọn Thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam", do nhóm giáo sư trường Đại học Harvard viết gửi Thủ tướng NTD vào tháng giêng 2008. Vào những ngày này, khi giá CP rớt thê thảm thì mới thấy giá trị của những cảnh báo do báo cáo này đưa ra. Tại sao giá của những công ty niêm yết quá cao như vậy, đặc biệt là CP của các Cty Blue-Chip. Có nhiều CP giá cao gấp vài chục lần so với mệnh giá, cá biệt như FPT ở thời điểm cao nhất lên tới hơn 60 lần so với mệnh giá. Các công ty lớn không chỉ bòn rút tiền đầu tư của các nhà đầu tư từ công ty mẹ mà còn thực hiện điều đó qua việc thành lập hàng loạt các công ty con. Điển hình lại vẫn là FPT, với hàng loạt FPT Finance, FPT Land, FPT Bank...; hay như Tổng CTy Sông Đà với hàng loạt SDx. Ngay cả Chính phủ cũng dựa vào tình trạng quá nóng thị trường để định giá quá cao trong các đợt IPO của các ông lớn. Điển hình là VCB và SABECO. Đã xác định giá trị của VCB là 15 nghìn tỷ, tính tất cả các yếu tố, kể cả giá trị thương hiệu rồi, vậy mà còn đặt giá lên gấp 10 lần so với mệnh giá!? Đến thời điểm này giá VCB rớt xuống chỉ còn khoảng 6 chấm trên sàn OTC. Vậy là không chỉ các công ty mà ngay cả Chính phủ make benefit từ lòng tin của các nhà đầu tư. Bây giờ là lúc thị trường điều chỉnh và giá của CP phải trở về đúng giá trị của nó. Nhưng nhiều nhà đầu tư đã mất tiền và mất cả niềm tin. Làm sao khôi phục lại thị trường đây? Mời bà con đọc cả báo cáo để có cái nhìn dài hạn về triển vọng của KTVN và sự phát triển của TTCK nhé.


Trong quá trình mở rộng phát triển của nhiều tập đoàn hiện nay cũng đã xuất hiện một số biểu hiện đáng báo động. Một “kịch bản” phổ biến khi mở rộng như vậy được miêu tả như sau. Tập đoàn nhà nước thành lập một công ty con, trong đó ban giám đốc của tập đoàn (còn gọi là công ty mẹ) và của công ty con nắm giữ một lượng cổ phiếu đáng kể của công ty con mới này. Một phần tài sản của tập đoàn (đất đai chẳng hạn) được chuyển cho công ty con dưới hình thức đầu tư hay góp vốn ban đầu. Khi cổ phiếu của công ty mới này được bán trên thị trường OTC hay trên thị trường chứng khoán thì những người chủ sở hữu của chúng sẽ hưởng lợi nhuận siêu ngạch từ việc ăn chênh lệch giá cổ phiếu (do khi cổ phần hóa doanh nghiệp bị định giá thấp hơn giá trị thị trường như trong trường hợp khách sạn Phú Gia Intimex). Trong thế giới mờ ám của những giao dịch nội gián như thế này, việc phân loại các nhóm sở hữu trở nên khó khăn. Những doanh nghiệp tư nhân giành được những “lô đất vàng” ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh chắc chắn phải có mối quan hệ mật thiết với một số quan chức nhà nước. Về bản chất, quá trình này không khác nhiều lắm so với quá trình bòn rút tài sản công thông qua tư nhân hóa đại trà ở Nga vào đầu những năm 1990, mặc dù ở Việt Nam, quá trình này xảy ra với tốc độ chậm hơn và mức tập trung của cải vào trong tay một thiểu số thấp hơn.

Một kịch bản thứ hai nhưng không kém phần đáng lo ngại là một số công ty con (đặc biệt là những công ty tài chính) mặc dù không thực sự có tài sản gì ngoài nhãn hiệu được thừa kế từ tập đoàn mẹ nhưng vẫn được IPO với những mức giá khổng lồ. Khi ấy, những nhà đầu tư nhỏ lẻ (nhiều người trong số họ đầu tư bằng những khoản tiết kiệm dành dụm cả đời) do thiếu thông tin vẫn cứ lao vào để cố mua bằng được chút ít cổ phiếu với giá thị trường giờ đã trở nên cao ngất, cao hơn nhiều lần so với giá trị danh nghĩa ban đầu. Kết quả là tiền của những nhà đầu tư nhỏ, thiếu thông tin và hiểu biết đã bị chuyển sang túi của những “đại gia”, đầy đủ thông tin nội bộ và mua được cổ phiếu ngay từ lần phát hành đầu tiên.(*) Những hoạt động như thế này không thể bền vững, và sớm hay muộn thị trường cũng sẽ điều chỉnh. Hậu quả khi ấy không chỉ là nhiều nhà đầu tư nhỏ, thiếu thông tin mất tiền, mà họ còn mất luôn cả niềm tin vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp và chính sách của nhà nước.

(*) Có vẻ như sự niêm yết gần đây của Công ty Tài chính Dầu Khí (PVFC) thuộc loại giao dịch này.



Tuesday, March 18, 2008

Việt Nam: Thời kỳ bất an

Mời bà con tham khảo bài đánh giá mới nhất của Ngân hàng Credit Suisse về Kinh tế Việt Nam nhé. Các đánh giá này theo tôi là rất có giá trị trong việc đưa ra các quyết định đầu tư trong trung hạn.

Sau đây là phần trích lược báo cáo Quý II, 2008 về các thị trường mới nổi của Ngân hàng Credit Suisse, ra ngày 12/03/2008:

· Lạm phát và các hậu quả của tín dụng quá mức là những mối quan ngại chính của Việt Nam hiện nay. Dòng vốn ngoại cao kỷ lục và việc mở rộng nền kinh tế nhanh chóng đang gây áp lực giá cả lên hàng loạt các lĩnh vực, và trọng tâm là lương thực và năng lượng. Nhưng tác động lên chỉ số giá cả hàng tiêu dùng (CPI) đang ngày càng mở rộng và được phản ánh trong việc tăng tiền lương, giá tài sản và tăng trưởng tín dụng, cùng với việc xuất hiện các giới hạn về phía cung. Chỉ số CPI tháng Hai lập kỷ lục ở mức 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong vòng 13 năm trở lại đây.

· Hiện nay, chúng tôi cho rằng Chính phủ đang rất thận trọng trong việc giải quyết vấn đề này, nhưng chính sách vĩ mô nên cương quyết hơn. Các cơ quan chức năng muốn hạ kiềm chế lạm phát, nhưng vẫn muốn duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế. Bốn lần thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ trong những tháng gần đây đã dẫn đến tình trạng khan hiếm tiền đồng và làm cho lãi xuất qua đêm tăng lên đến 41%, những các biện pháp đó vẫn chưa chứng minh được tín hiệu quả của nó. Theo quan điểm của chúng tôi, lạm phát cao và chu kỳ bùng phát-đổ vỡ là một khả năng hiện hữu trong vòng 12 tháng tới.

· Một khả năng là chính sách tỷ giá và chúng tôi cho rằng tỷ giá đồng tiền Việt Nam sẽ tăng 4-5% trong năm nay, và đến cuối năm tỷ giá giữa VND và USD sẽ là khoảng 15.200. Việc nới rộng biên độ tỷ giá lần hai có thể được thực thi trong vòng 3 tháng tới, cũng nằm trong chính sách dài hạn về tỷ giá. Theo chúng tôi, việc nâng tỷ giá một cách đáng kể thẻ hiện lựa chọn “ít xấu hơn” của Chính phủ. Nhưng có thể cần phải nâng tỷ giá lên 12% để làm cân bằng các mất cân đối về cơ cấu trong ngắn hạn, mặc đù các điều chỉnh về thương mại có thể làm xấu hơn nữa tình trạng thâm hụt trong cán cân thanh toán.

· Động thái chính sách bổ xung đang được chờ đợi, gồm có các kiểm soát giá cả có lựa chọn và các đợt tăng lãi xuất và dự trữ bắt buộc trước Quý 3. Các ngân hàng đang ở dưới sức ép tăng lãi suất, nhưng chúng tôi cho rằng tỷ lệ chiết khấu có thể tăng 1% nữa lên thành 7% trong Quý I năm 2009.

· Mặc dù có các vấn đề tài chính, Việt Nam vẫn cho thấy sự tăng trưởng thực tế mạnh mẽ trong trung hạn nếu nền kinh tế có thể duy trì được nền tảng vững chắc của mình. Khu vực tư nhân vẫn rất lành mạnh, được khuyến khích bới đầu tư ổn định và một khu vực tiêu dùng mới nổi. Tiêu dùng cho hạ tầng cơ sở lớn cũng sẽ góp phần đáng kể cho việc tăng trưởng GDP, như các dự án công cộng đã đwocj lên kế hoạch sẽ được tăng tốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng tối điều chỉnh lại dự báo của mình từ mức 9,1% xuống 8,5% trong chỉ số tăng GDP, do khả năng ảnh hưởng của các biện pháp kiểm soát lạm phát.

· Xuất khẩu tiếp tục mở rộng, Quý I tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc gia nhập WTO và phát triển cơ sở xuất khẩu có tác động tăng trưởng trong dài hạn, tuy nhiên nhu cầu cao trong nhập khẩu hàng hóa vốn cho sản xuất và giá cả cao đã làm tăng thậm hụt cán cân thương mại, ước tính lên đến mức 20% GDP so với mức 14% năm 2007. Thâm hụt có thể hạ xuống khi các nhà máy lọc dầu được đưa vào sử dụng vào năm 2009, tuy nhiên, Việt Nam có nhiều khả năng là vẫn thậm hụt thương mại trong vòng 5 năm tới.

· Sự phát triển của thị trường vốn có thể là vẫn yếu trong năm thứ hai liên tiếp do Việt Nam tập trung tăng cường tài chính và cải thiện chất lượng hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính. Chúng tôi cho rằng tiến độ niêm yết các doanh nghiệp Nhà nước vẫn sẽ diễn ra chậm chạp và kế hoạch niêm yết Vietcombank trị giá 10 tỷ USD bây giào vẫn đang bị trì hoãn. Việc phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 1 tỷ USD lại tiếp tục bị trì hoãn, mặc dù việc này không ảnh hưởng xấu đến việc cân bằng ngân sách. Moody đủ tự tin để nâng xếp hạng tín dụng của Việt Nam lên một bậc thành Ba2, nhưng các điều kiện kinh tế có thể thay đổi bất kỳ quyết định nào vượt qua năm nay; các động thái của các tổ chức xếp hạng khác thì dường như không có trong năm 2008.

(Source: “Vietnam: Time to Be Very Nervous”, Credit Suisse, 13 March 2008)

Sunday, March 09, 2008

SCIC ra tay cứu thị trường - Diễn biến tiếp theo sẽ ra sao?

Tuần rồi thị trường có những biến động đầy kịch tính. Thị trường giảm sàn liên tiếp 3 phiên, xuống còn 583 điểm vào ngày thứ Tư. Không thể để thị trường xuống hơn được nữa (cộng thêm áp lực của cộng đồng các nhà đầu tư), Chính phủ cho phép Tổng Công ty Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mua vào CP nhằm hỗ trợ thị trường. Thị trường đón nhận tin tốt đó bằng hai phiên tăng trần liên tiếp, đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 640 điểm.

Có khá nhiều ý kiến trái ngược nhau về động thái của SCIC. Tác động tức thời thì đã rõ ràng. Nhưng về lâu dài thì câu trả lời còn bỏ ngỏ. Cầu của mấy phiên cuối tuần thực tế là do sự giải ngân của lượng tiền mặt sẵn có trong tài khoản của các nhà đầu tư. SCIC chưa giải ngân nhiều (trong số dự kiến được cho là 5.000 tỷ đồng). Như vậy VNINDEX có thể phục hồi về mức 700 điểm. Vẫn là một mức quá thấp so với đỉnh 1170 điểm vào tháng 3/2007.

Các yếu tố bất lợi cho thị trường vẫn còn hiện hữu: lãi suất ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao (12%/năm), các biện pháp kiềm chế lạm phát vẫn được ưu tiên, các nguồn tiền từ thị trường vàng và bất động sản chưa thể quay lại TTCK được. Hơn nữa thị trường thế giới vẫn ở tình trạng rất xấu, chỉ số Down John xuống dưới 12.000 điểm (
11.893) - mức thấp kỷ lục kể từ năm 2006.

Trong tuần tới, VNINDEX có thể tiếp tục tăng một vài phiên nữa nhờ hiệu ứng mạnh của liệu pháp SCIC. Tuần trước đã tới sàn để định giải ngân vào thứ Tư, nhưng không dám xuống tay. Đến khi thị trường đảo chiều thì không thể chen lệnh mua vào được. Thị trường VN cực kỳ bất thường ở những thời điểm nhập cảm. Với nhà đầu tư nhỏ, bạn khó có thể khớp lệnh bán khi thị trường đồng loạt giảm sàn, và khó có thể mua khi thị trường đồng loạt tăng trần. Chỉ khi nào thị trường tương đối ổn định thì bạn mới khớp lệnh dễ dàng. Đó là một trong những bất lợi chính của nhà đầu tư nhỏ trên TTCK Việt Nam.


Sunday, March 02, 2008

Chứng khoán trong cuộc chiến không cân sức với lãi suất và giá vàng

Giá vàng tiếp tục tăng, kể cả trong hai ngày cuối tuần. Các ngân hàng bắt buộc phải duy trì lãi suất huy động cao (12%/năm) để níu chân khách hàng.
Chứng khoán, dù đã giảm 23.8 điểm (3.5%) vào tuần qua, sẽ có khả năng còn tiếp tục giảm trong tuần tới.
Ứng xử trong tuần tới: án binh bất động, tiếp tục nghe ngóng và sẽ giải ngân khi có tín hiệu tốt rõ ràng.

Tuần trước đã định làm một entry riêng về chi tiêu ngân sách (kém hiệu quả và tỷ lệ thất thoát cao) có ảnh hưởng tới lạm phát, và gián tiếp ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Nhưng bây giờ lại thấy nhiều người đề cập đến rồi nên thôi. Báo Tuổi trẻ khá mạnh dạn khi đưa bài chỉ rõ mối liên hệ giữa tham nhũng và lạm phát. Chắc sẽ còn nhiều nhiều khai thác tiếp ý này và đẩy vấn đề đi xa hơn nữa. Sẽ trở lại vấn đề này theo cách tiếp cận khác.